Hệ lụy từ hành vi bạo lực trong giao thông

Trong xã hội hiện đại, tình trạng bạo lực trong giao thông đang trở thành một vấn đề nhức nhối, gây lo ngại cho nhiều người về sự suy giảm văn hóa ứng xử và những hệ lụy nghiêm trọng đối với an toàn xã hội.

Khi “bạo lực” thay cho lời nói

eba60fbe3fe288bcd1f3-70597.jpg

Hình ảnh một nam thanh niên bị hai người khác ghì cổ và đánh chảy máu đầu sau một va chạm giao thông ở Bắc Giang đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Ảnh chụp màn hình

Thời gian gần đây, mạng xã hội tràn ngập những video ghi lại các vụ ẩu đả do va chạm xe cộ. Nguyên nhân thường rất nhỏ nhặt: một cú va chạm nhẹ, một ánh nhìn không vừa mắt hay chỉ là một cuộc tranh cãi về việc ai đúng ai sai… Tất cả đều có thể trở thành “mồi lửa” cho những cuộc hỗn chiến giữa đường phố.

Điều đáng chú ý là những hành vi này không chỉ phổ biến mà còn trở thành một “trào lưu” trên mạng xã hội, với hàng loạt clip ghi lại cảnh người dân mắng chửi, hành hung nhau giữa phố đông đúc.

Chẳng hạn, vào sáng 6-5, một đoạn video dài gần 2 phút đã lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một người đàn ông điều khiển xe máy dừng trước ô tô và liên tục chửi bới tài xế bằng những lời lẽ thô tục, thậm chí bẻ gãy cần gạt nước và cụp kính xe.

Vào chiều 11-6, một vụ va chạm khác xảy ra tại Bắc Giang, khi một người đàn ông lái ô tô chở con trai đã va chạm với xe mô tô. Dù không có ai bị thương, nhưng sau đó, do không kiềm chế được cảm xúc, người lái xe ô tô đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu người lái xe mô tô, khiến nạn nhân phải nhập viện.

Tương tự, tại Bình Dương, vào ngày 17-6, một người đàn ông đã xuống xe hành hung một nữ tài xế sau khi bị nhắc nhở về hành vi thiếu lịch sự. Tất cả những hành động này đều được ghi lại và lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Hầu hết các vụ việc va chạm giao thông đều đã được công an các địa phương can thiệp kịp thời, và dư luận rất ủng hộ sự nghiêm minh này, coi đó là lời cảnh tỉnh cho những ai còn dùng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề.

Trả giá cho hành vi bạo lực

506462968_1158502509644080_633049374781597718_n.jpg

Công an tỉnh Bình Dương làm việc với người đàn ông đã hành hung tài xế xe ôm công nghệ. Ảnh: Công an cung cấp

Điểm chung trong các tình huống va chạm giao thông tưởng chừng nhỏ nhặt này là sự nóng giận thiếu kiểm soát, cái tôi quá lớn và sự thiếu hụt trong giáo dục văn hóa giao thông.

“Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà sẵn sàng dùng vũ lực không chỉ gây tổn hại cho người khác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội. Nếu không xử lý nghiêm, sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong dư luận”, PGS. TS, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhận định.

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nếu biết giữ bình tĩnh và ứng xử văn minh, chúng ta có thể tránh được những xung đột không đáng có. Ngược lại, chỉ một phút nóng giận có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ chấn thương đến tử vong. Hệ lụy có thể là vòng lao lý, án tù dài hạn, mất mát về sức khỏe và danh dự, chưa kể đến những ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình hai bên. Do đó, điều cần thiết là nâng cao ý thức của người dân, học cách tôn trọng nhau trên đường phố.

Thạc sĩ, Luật sư Đào Trung Kiên, Giám đốc một công ty luật cho biết: “Hành vi hành hung người khác trên đường không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 8 triệu đồng và phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Đối với những hành vi mang tính chất côn đồ, tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên có thể đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.”

Ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, nhiều người cho rằng cần có những biện pháp lâu dài để xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp và phân tích dư luận xã hội thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Vũ Hào Quang cho rằng: “Cần đưa các nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng xử lý tình huống giao thông vào trường học và các tổ chức, bởi điều này sẽ giúp hình thành thói quen đúng từ sớm. Đối với những hành vi côn đồ, cần bổ sung hình phạt như lao động công ích, cấm lái xe trong thời gian dài, công khai danh tính người vi phạm để vừa răn đe, vừa nâng cao nhận thức xã hội.”

Dù có những biện pháp mạnh từ chính quyền, nhưng để hạn chế những va chạm không đáng có khi tham gia giao thông, yếu tố cốt lõi nhất vẫn là ý thức của người dân. Mỗi người cần nhận thức rằng, giữ bình tĩnh khi va chạm không chỉ là tự bảo vệ bản thân mà còn là cách thể hiện bản lĩnh và văn minh. Đừng để vài phút nóng giận dẫn đến những năm tháng phải trả giá. Hãy xem Luật Giao thông đường bộ là luật ứng xử tối thiểu của xã hội hiện đại. Khi xảy ra va chạm, nếu không tự giải quyết được, hãy gọi Cảnh sát giao thông. Nếu bị đe dọa, hãy ghi lại bằng chứng và tìm sự giúp đỡ từ người xung quanh. Còn nếu là người chứng kiến, hãy giúp đỡ bằng cách can ngăn hoặc gọi cơ quan chức năng thay vì chỉ quay clip để câu view.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *